VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)
P.O. Box 661162
Sacramento, CA 95866
Phone & Fax: 916-480-2724
Email: vnn@vnn-news.com
Website: www.vnn-news.com
**********************************
Bản Tin Hàng Ngày
Ngày 20 Tháng 08 Năm 2007
**********************************
1- Tin Cộng Ðồng 20-08-07
- Tòa Án Thái Lan Nghe Ðiều Trần Lần Thứ Nhì Về Trường Hợp Ông Võ Ðức Văn
2- Tin Việt Nam 20-08-07.
- Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân CT và TG Kêu Gọi Cứu Giúp 40 Cựu Tù Nhân Vượt Biên Sang Cam Bốt Lánh Nạn
- Tân Trưởng Ban Hướng Dẫn GÐPT Thừa Thiên Bị Kẻ Lạ Hành Hung Trọng Thương
- Mặc Áo Trắng Dự Bên Ngoài Phiên Tòa Phúc Thẩm Xử Các Ðảng Viên Ðảng Dân Chủ Nhân Dân
- Hàng Tấn Hàng Cứu Trợ Bão Lụt Bị Ngâm Trong Kho Ðể Dân Chịu Ðói
- Hơn 5.000 Công Nhân Bình Dương Ðình Công
- Tân Ðại Sứ Michael Michalak Ðến Nhậm Nhiệm Sở
- CSVN Thay Ðổi Ban Lãnh Ðạo Báo Tuổi Trẻ
- CSVN Tuyên Bố Sẽ Chi 3,5 Ðôla Ðể Hỗ Trợ Các Cô Dâu Việt Ở Nam Hàn
- Tin Liên Quan Vụ CSVN Ðòi Dẹp Trang Web Của Một Tổ Chức Doanh Nghiệp Úc
- Các Quan Lớn Của Một Công Ty Ðánh Bạc Với Nhau Ăn Thua Hàng Trăm Triệu Ðồng
3- Tin Thế Giới 20-08-2007
- Tân Tây Lan Ðang Thử Nghiệm Quần Áo May Sẵn Của Trung Quốc Tẩm Phốc Môn
- Syria: Thủ Tướng Iraq Thăm Syria Lần Ðầu Tiên
- Trung Quốc: Thoát Aluminium Từ Một Nhà Máy, 14 Chết, 59 Bị Thương
- Thái Lan: Cử Tri Thái Thông Qua Hiến Pháp Mới
- Ðợt Nóng Tăng Cao Tại Hoa Kỳ Gây Thiệt Mạng 49 Người
- Phi Cơ Hãng Taiwan China Airlines Bị Cháy Tại Phi Trường Nhật Bản
- Gia Nã Ðại: Hội Nghị Thượng Ðỉnh Bắc Mỹ Chưa Khai Diễn - Biểu Tình Ðã Làm Trước
- London: Biểu Tình Chống Hâm Nóng Khí Hậu
- Thổ Nhĩ Kỳ: Ðảng Cầm Quyền Tiếp Tục Ðưa Ngoại Trưởng Gul Ứng Cử Tổng Thống
- Trung Quốc: Hy Vọng Cứu Sống 181 Thợ Mỏ Hoàn Toàn Không Hy Vọng
- Ngoại Trưởng Pháp Thăm Iraq Lắng Nghe Các Cộng Ðồng
- Nam Dương: Núi Lửa Karangetan Tái Hoạt Ðộng
**********************************
1- Tin Cộng Ðồng 20-08-07
- Tòa Án Thái Lan Nghe Ðiều Trần Lần Thứ Nhì Về Trường Hợp Ông Võ Ðức Văn
(Bangkok-VNN) (RFA) Toà hình sự Thái Lan hồi tuần qua đã mở phiên điều trần thứ nhì để lắng nghe công tố viên Thái đối chất với ông Võ Ðức Văn, bị dẫn độ từ Mỹ sang Thái để bị xét xử về tội đặt bom không ngòi nổ trước Tòa đại sứ CSVN ở thủ đô Bangkok hồi năm 2001.
Phiên toà diễn ra hôm 16-8, là buổi điều trần tiếp sau phiên 29 tháng Sáu mà qua đó ông Võ Ðức Văn đã trình bày về trường hợp tù tội của ông và việc ông bị dẫn độ sang Thái Lan. Theo đài Á Châu Tự Do (RFA), kết quả là đến ngày ngày 19 tháng Chín tới đây, chánh án Thái Lan sẽ công bố quyết định có thể xử được hay không thể xét xử ông Võ Ðức Văn trên lãnh thổ Thái.
Ông Võ Ðức Văn là công dân Mỹ gốc Việt, thành viên trong tổ chức có tên Chính Phủ Việt Nam Tự Do mà người đứng đầu là ông Nguyễn Hữu Chánh ở California.
Tháng Mười năm 2001, ông Võ Ðức Văn bị cảnh sát liên bang Hoa Kỳ ở California bắt giữ khi về đến phi trường vì tội gài bom không ngòi nổ bên ngoài toà đại sứ CSVN ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Trước toà, thông qua người phiên dịch, ông Võ Ðức Văn nhiều lần khẳng định tội của ông đã được toà án California xử xong, ông đã ở tù bên đó 6 năm trước khi bị chuyển sang Thái Lan, vì thế chính phủ Thái không có lý do gì để xét xử ông thêm một lần nữa.
Phiên toà kéo dài từ sáng đến chiều. Buổi sáng là phần đối chất giữa công tố viên Thái Lan với ông Võ Ðức Văn. Trong tư cách là người của chính phủ Thái, công tố viên nêu nhiều câu hỏi nhằm chứng thực ông Võ Ðức Văn chính là người đã bị toà án ở California xét xử, tống giam và đồng ý cho dẫn độ sang Thái Lan. Buổi chiều là lúc ba vị chánh án lắng nghe lời khai của nhân chứng thuộc phòng công tố Thái.
Luật sư Worasit Piriyaweboon, nhận lãnh phần biện hộ cho ông Võ Ðức Văn đã nói rằng: "Nhân chứng này là một trong những người của phòng công tố Thái, từng đảm trách mọi thủ tục pháp lý liên quan đến yêu cầu của phía công tố Thái Lan đòi dẫn độ ông Võ Ðức Văn từ California qua Bangkok để xét xử theo luật pháp Thái Lan."
Vẫn theo lời luật sư Worasit Piriyaewboon, nút thắt của hồ sơ Võ Ðức Văn mà ông phải tìm cách tháo gỡ là việc xét xử ông Võ Ðức Văn một lần nữa ngay tại Thái Lan có sai nguyên tắc hay không?
Trong vài phút gặp phóng viên đài Á Châu Tự Do, ông Võ Ðức Văn nói: "Tôi hy vọng rằng Toà án Thái Lan sẽ lắng nghe vụ xử này một cách nghiêm túc, tại vì ai cũng biết vụ việc này tôi đã ở tù 5 năm rồi, phía công tố Thái Lan phải xác nhận điều đó trước Toà án và hợp thức hoá những ngày tháng tôi bị nhốt tù cho sự việc này."
Với câu hỏi trong thời gian bị bắt và bị giam giữ ông có nhận được sự yểm trợ nào không, ông Võ Văn Ðức trả lời: "Trong những năm qua tổ chức Việt Nam Tự Do có tổ chức những cuộc biểu tình bày tỏ sự ủng hộ tự do cho tôi, nhưng 6 hoặc 7, 8 vừa rồi, thì hoàn toàn tôi không có những tin tức đó do không có liên lạc với bên ngoài. Thành thử tôi không biết trong thời gian 6,7 tháng vừa qua tổ chức Việt Nam Tự Do có làm để bày tỏ sự ủng hộ cho tôi, điều đó tôi không rõ lắm."
Không riêng ông Võ Ðức Văn bị bắt và chịu cảnh tù tội 6 năm nay về tội đặt bom không ngòi nổ trước toà đại sứ CSVN tại Thái Lan, một người khác là ông Phan Nguyễn Thanh Hiền Sĩ bị bắt ngay tại Thái Lan khi nội vụ đổ bể. Toà Thái Lan kết án 8 năm và 4 tháng tù đối với ông Phan Nguyễn Thanh Hiền Sĩ. Hiện ông bị giam tại trại tù Ladyao ở Bangkok.
=END=
2- Tin Việt Nam 20-08-07.
- Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân CT và TG Kêu Gọi Cứu Giúp 40 Cựu Tù Nhân Vượt Biên Sang Cam Bốt Lánh Nạn
(Gia Lai - VNN) Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam hôm 19/8/2007 vừa thông báo khẩn cho hay, Hội vừa nhận được tin từ Mục Sư Nguyễn Công Chính, Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Các Dân Tộc Việt Nam (Vietnamese People' s Evangelical Fellowship(VPEF), Từ TP.Pleiku-Gia Lai, báo tin khẩn rằng:
Có khoảng hơn 40 người dân tộc Gia Rai, tỉnh Komtum, vào ngày hôm 18/08/2007, gồm cả những người tù chính trị, tôn giáo vừa mới được trả tự do và dân oan khiếu kiện, đang trên đường trốn sang biên giới Campuchia lánh nạn.
Bản thông báo khẫn do Thượng toạ Thích Thiện Minh gửi đến các Tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, hội đoàn, quý thành viên Hội Ái Hữu, các cộng đồng người Việt Nam trong ngoài nước, yêu cầu chuyển ngữ, phổ biến thông tin đến các tổ chức Nhân quyền Quốc tế, Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam tại hải ngoại, Ủy Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ..., nhờ lên tiếng bảo vệ hoặc tạo điều kiện giúp đỡ cho đoàn người nói trên được an toàn.
=END=
- Tân Trưởng Ban Hướng Dẫn GÐPT Thừa Thiên Bị Kẻ Lạ Hành Hung Trọng Thương
(Thừa Thiên, Huế - VNN) Vừa mới nhận chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn GÐPTVN, Huynh trưởng Nguyễn Tất Trực đã bị hành hung trong đêm như một âm mưu ám sát. Theo đơn trình của Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Thừa Thiên hôm qua 19/8/07, gửi đến Hòa Thượng Chánh Ðại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Thừa Thiên cho biết nội vụ như sau
Vào lúc 0g30 tối Thứ Năm rạng sáng Thứ Sáu ngày 17/8/2007, tại nhà Huynh trưởng Nguyễn Tất Trực (Dạ Lê thượng, Hương Thủy, Thừa Thiên), một người có đội mũ bảo hiểm đột nhập vào nhà dùng cái xẻng xúc đất phang thẳng vào đầu anh Trực trong lúc anh đang nằm ngủ. Rất may là do trời tối nên các cú đánh không trúng đầu mà trúng vào mạng sườn và các nơi khác gây thương tích trầm trọng. Gia đình đã đưa anh Trực đi cấp cứu, hung thủ đã bị công an bắt trên đường chạy trốn.
Ðơn trình với Hòa Thượng chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh thừa thiên cũng cho biết,
khi anh Trực được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Thừa Thiên đã có nhiều sự hăm dọa và chống đối từ bên ngoài cũng như trong nội bộ. Sự việc hành hung xảy ra vừa đúng một tuần sau khi anh Trực nhận nhiệm vụ đã gây lo ngại rất nhiều cho gia đình của Anh và các Anh Chị Em Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn GÐPT Thừa Thiên, vì giữa gia đình Anh Trực là bà con lối xóm, không có thù oán hay xích mích gì cả. Do đó chúng con không loại trừ khả năng hung thủ bị kẻ xấu xúi dụng hoặc mua chuộc.
Ðơn trình do anh Nguyên Chiêu - Hồ Ðắc Thích, Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn GÐPT Thừa Thiên đứng tên ấn ký!
=END=
- Mặc Áo Trắng Dự Bên Ngoài Phiên Tòa Phúc Thẩm Xử Các Ðảng Viên Ðảng Dân Chủ Nhân Dân
(Sài Gòn - VNN) Từ Sài Gòn, trong bản tin đề ngày 19/8/2004, Nhóm Phóng viên Ðấu Tranh Vì Công Lý đã gửi ra hải ngoại 4 tấm ảnh do nhóm các cô Vũ Thanh Phương, Lư Thị Thu Duyên, Vũ Thiên Nga, Lư Thi Thu Trang... tại Sài Gòn thực hiện sáng ngày 17/8/2007 ở khuôn viên tòa án "nhân dân thành phố Sài Gòn" trong vụ xét xử phúc thẩm vụ án chính trị bác sĩ Lê Nguyên Sang tức Nguyễn Hoàng Long, Ủy viên ban chấp hành Ðảng Dân Chủ Nhân Dân Việt Nam. Theo bản tin đính kèm cho biết, khi chụp các tấm ảnh này thì công an mật vụ chính trị CSVN đã đến định cướp máy ảnh và xóa phim, nhưng may mắn họ đã giấu được và hôm nay phổ biến rộng rãi trên mạng internet để dư luận rộng rãi biết.
* Ảnh chụp chung cô Vũ Thanh Phương và Lư Thị Thu Duyên với người đeo kính trắng, mặc áo trắng ngồi ghế đá trong khuôn viên tòa án là anh Lê Nguyên Thành, em trai ruột Bs Lê Nguyên Sang, ngồi kế bên là 1 công dân quê tỉnh Bình Thuận hiện cư trú tại Thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân - người đội mũ trắng cũng là người đang tham gia biểu tình tại Sài Gòn trong nhưng ngày qua tên là Lương Văn Sinh, sinh năm 1968.
* Ảnh chụp cô Lư Thị Thu Trang chị ruột cô Lư Thị Thu Duyên và Vũ Thiên Nga - em ruột cô Vũ Thanh Phương ngồi giữa trên ghế đá với người đàn ông ngồi bên phải tấm ảnh là anh Lê Nguyên Vinh em trai ruột Bs Lê Nguyên Sang, còn người phụ nữ ngồi bên trái là cô Hà người nhà bác sĩ Lê Nguyên Sang.
* Ảnh chụp tập thể các chị em dân oan đều bận đồ trắng biểu thị ủng hộ dân chủ tự do của Khối 8406 phát động đi dự phiên tòa xét xử phúc thẩm Bs Lê Nguyên Sang ngày 17/7//2007. Nhưng các chị em này bị công an ngăn cản không cho vào dự phiên tòa gọi là "Công khai". Người phụ nữ mặc bộ đồ đen tím xám màu là bà Hung Dung, người chị ruột Ls Nguyễn Bắc Truyễn, còn người đàn ông tố cáo đứng hàng sau tên là Ngọc là anh rễ Ls Nguyễn Bắc Truyễn chồng của chị Hai Dung.
Tại sân vườn tòa án có trụ sở đặt trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thuộc quận 1 TP Sài Gòn, hơn 1 chục mật vụ của nhà nước CSVN đã đến xua đuổi những người tham dự chụp hình ra khỏi khu vực, và dọa bắt giữ cũng như tịch thu máy.
Theo ghi nhận, so với việc chụp hình các cuộc biểu tình ở Thủ đô Hà Nội thì việc đơn giản này thực hiện ở TP Sài Gòn là khó khăn hơn, nguy hiểm hơn, vì ở đây dù sao cũng là tỉnh lẻ, 1 thành phố tuy lớn nhưng xa đầu não, xa các cơ quan ngoại giao và các tổ chức Quốc tế lớn. Hơn thế nữa lực lượng công an CSVN bảo vệ chính trị và hệ thống an ninh mật vụ tại thành phố này cũng ít hiểu biết hơn vê các nhận thức như: Quyền Công dân, Quyền Con người, thế nào lạ bí mật quốc gia?... Họ vẫn coi những tấm ảnh đó nói lên sự thật đang diễn ra trong nước như là những bí mật quốc gia tuyệt đối phải giữ gìn và bảo vệ không cho lọt ra thế giới bên ngoài được biết!!!
=END=
- Hàng Tấn Hàng Cứu Trợ Bão Lụt Bị Ngâm Trong Kho Ðể Dân Chịu Ðói
(Quảng Bình - VNN) Báo chí trong nước đã tố cáo tỉnh Quảng Bình dù đã nhận được tiền và hàng cứu trợ trị giá hơn 2 tỷ đồng của các đơn vị và cá nhân, nhưng hàng hóa khi chuyển về huyện, xã đã bị ngâm lại trong kho mà không đem phát cho dân, là những người đã bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 2 vừa qua và nay đang lâm vào nạn đói trầm trọng.
Các cơ quan của nhà cầm quyền CSVN đến nay vẫn chưa thống kê được số liệu các gia đình bị thiệt hại và bị nặng nhẹ ra sao. Ngay cả lãnh đạo của tỉnh cũng nhận được điện thoại từ người dân phản ảnh chưa nhận hàng cứu trợ.
Ðến thời điểm này, Quảng Bình có tới 16 người chết và mất tích, 39 người bị thương. Thiệt hại vật chất ước tính gần 650 tỉ đồng. Sau cơn lụt, người dân nay đang dọn dẹp và làm vệ sinh, hiện hệ thống giao thông đã tạm thời được mở trở lại.
Tổng hợp cuối cùng về thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra, Cộng sản Việt Nam loan báo có 74 người thiệt mạng, 9 người mất tích. Một số miền Trung có nguy cơ thiếu lương thực đến tận tháng 4 năm sau. Thống kê của nhà nước cho thấy bão số 2 đã làm 130 người bị thương, gây thiệt hại nặng nề về vật chất. Tổng thiệt hại đã lên đến gần 2200 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là Hà Tĩnh và Quảng Bình. 1850 ngôi nhà bị ngập hoặc cuốn trôi; 170,600 nhà khác bị hư hại; 345 phòng học phải sửa chữa; 61 bệnh xá hư hại nặng. Ngoài ra, mưa lũ đã làm ngập 66,400 mẫu hoa màu; sạt lở 755 ngàn thước khối thuỷ lợi và gần 1 triệu thước khối đất đá đường giao thông.
Cơn bão số 2 dù đã tan, nhưng những gì mà nó để lại vẫn còn nguyên ở nhiều Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số tỉnh Tây Nguyên. Nhà cầm quyền đã cử người đi khảo sát để thẩm định thiệt hại và nhu cầu cứu trợ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nhận xét của đoàn cho thấy sau cơn lụt, cuộc sống của hàng trăm ngàn gia đình người dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình gặp vô vàn khó khăn. Do hàng ngàn mẫu lúa và hoa màu bị hư hại nên nhiều hộ có nguy cơ thiếu lương thực đến tận tháng 4 năm sau. Chỉ riêng tại Quảng Bình, đã có trên 35 ngàn người cần được trợ giúp về lương thực trong 6 tháng tới. Nếu tính trung bình mỗi người sử dụng 15 ký gạo mỗi tháng thì chỉ trong hai tháng đầu sau thiên tai, tỉnh đã cần hỗ trợ khoảng 1000 tấn gạo. Bên cạnh nguy cơ thiếu ăn thì vấn đề nước uống, vệ sinh môi trường cũng đang trực tiếp đe dọa tới sức khoẻ và tính mạng người dân.
Tại xã Hưng Giang, huyện Hưng Khê Hà Tĩnh, trung bình cứ 5 giếng nước bị ô nhiễm thì mới có 1 giếng được xử dụng. Không ít giếng nước vẫn còn gia súc hay gia cầm chết và gây độc cho cả giếng. Ðiều kiện sống không bảo đảm khiến một số dịch bệnh như cúm, sốt, bệnh ngoài da, bệnh về nhãn khoa, tiêu chảy, phụ khoa có nguy cơ bùng phát, trong khi phần lớn các cơ sở y tế đã bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều xã mùi xú uế vẫn còn nồng nặc do chưa kịp dọn dẹp xác gia súc gia cầm. Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng học sinh ở nhiều địa phươn g phải đối mặt với việc thiếu trường, thiếu lớp, đồ dùng học tập, sách vở. Theo ghi nhận, đến nay nhà cầm quyền CSVN mới chỉ cứu giúp nhỏ giọt, và rất nhiều người đã than phiền về việc này.
=END=
- Hơn 5.000 Công Nhân Bình Dương Ðình Công
(Bình Dương - VNN) Chiều ngày 17/8, hơn 5.000 công nhân Công ty quốc tế Chutex đã đình công. Ðây là Công ty chuyên sản xuất hàng may mặc tại Khu công nghệ Sóng Thần 1, Dĩ An.
Nguyên nhân là do Công ty này thông báo tăng lương cho công nhân lên 5,6%, nhưng sẽ cắt khoản tăng 50.000 đồng hàng năm như đã thoả thuận trong hợp đồng. Các công nhân đã không bằng lòng cách làm này nên đã bỏ ra ngoài xưởng và đòi Công ty phải tăng lương cho họ, nhưng không được trừ vào khoản tăng 50.000 đồng hàng năm. Mặt khác, cần cải thiện chất lượng bữa ăn cho đàng hoàng.
Cùng ngày, ông Thomas Chiang - Phó Tổng Giám Ðốc Công ty - ra thông báo: "Hàng năm, tất cả cán bộ công nhân viên - sản xuất kể cả những công nhân mới - đều được tăng lương 5,6% tính vào lương cơ bản. Hàng năm, tất cả mọi người đều được tăng lương theo bảng thang lương khi đến hạn". Tuy nhiên, đến khoảng 17 giờ chiều, hầu hết công nhân đã bỏ ra về.
=END=
- Tân Ðại Sứ Michael Michalak Ðến Nhậm Nhiệm Sở
(Hà Nội - VNN) Tân đại sứ Michael Michalak đã đến Hà Nội vào ngày hôm qua, để chính thức đảm nhận vai trò đại diện của Hoa Thịnh Ðốn tại Việt Nam, thay thế cho Ðại sứ Michael Marine vừa mãn nhiệm.
Theo thủ tục, ông sẽ xúc tiến các việc trình ủy nhiệm thư để chính thức được công nhận là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp với 32 năm thâm niên, ông Michalak từng công tác tại Úc Ðại Lợi, Pakistan và Trung Quốc. Ông thông thạo 3 sinh ngữ Trung Hoa, Nhật và Pháp. Trước khi được Tổng thống Bush bổ nhiệm làm Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak từng là đại diện Hoa Kỳ tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương từ năm 2005.
Nhắc lại vào Thứ Sáu tuần trước, sau lễ nhậm chức tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, ông Michael Michalak đã có cuộc tiếp xúc với đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ để lắng nghe những ý kiến về tình hình Việt Nam cũng như trình bày các kế hoạch của ông cho nhiệm kỳ 3 năm tới.
Nhân dịp này, tân đại sứ Michalak đã khẳng định ưu tiên trước mắt của ông tại Việt Nam vẫn là các vấn đề nhân quyền và tự do dân chủ. Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục trợ giúp Việt Nam phát triển kinh tế và giáo dục. Dù là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Châu Á, ông Michalak vẫn phải nhìn nhận trách nhiệm ông được chính phủ giao phó là một trách nhiệm đầy khó khăn và rất tế nhị.
Nhận định của những nhà dân chủ trong nước về vị tân đại sứ, bác sĩ Phạm Hồng Sơn 39 tuổi là người từng bị nhà cầm quyền CSVN giam cầm vào tháng 3 năm 2002, và bị cáo buộc với tội danh gián điệp, kết án ông 13 năm tù, sau đó giảm xuống còn 5 năm cộng với 3 năm quản chế, Ông Bình cho biết, những nhà Dân Chủ tại Việt Nam rất trông đợi vào vị tân đại sứ, và hy vọng ông này sẽ có những hoạt động mở rộng sang những lãnh vực hợp tác khác, thúc đẩy hợp tác về mặt xã hội và chính trị. Về mặt xã hội, mọi người mong muốn làm sao có những hợp tác để thúc đẩy Việt Nam có những đoàn thể của nhân dân được mở ra và hoạt động độc lập, giống như hội đoàn ở các nước dân chủ như ở Mỹ, như hội đoàn của các luật sư, hội đoàn của nhà báo, hội đoàn văn học nghệ thuật, đoàn của những nhà văn, của những người viết có được tiếng nói độc lập và có quyền tự do. Về mặt chính trị thì họ mong muốn vị tân đại sứ sẽ có những thúc đẩy hơn nữa để có những trao đổi, học hỏi, để tăng cường cho hệ thống chính trị ở Việt Nam. Tức là mong muốn làm sao Việt Nam có một chính quyền minh bạch và hiệu quả, để trước hết giới lãnh đạo Việt Nam sẽ đem lại những thành quả tốt hơn cho nhân dân Việt Nam hiện nay. Ông cũng mong muốn vị tân đại sứ sẽ có những buổi tiếp xúc với dân chúng, với những nhóm lợi ích trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, nói riêng, để tìm hiểu nguyện vọng của người dân, và giúp cho họ đạt được giấc mơ Dân Chủ Tự Do của họ qua sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Trong khi đó, hôm 16/8/2007, Khối 8406 cũng đã có thư chào mừng gửi đến tân đại sứ Michael Michalak với nội dung như sau:
Kính thưa Ngài Tân Ðại sứ,
Chúng tôi, ghi danh dưới đây, là Ðại diện lâm thời Khối 8406 gồm hàng vạn Chiến sĩ Dân chủ Hòa bình Việt Nam trong cũng như ngoài nước, những con người đã ký tên vào Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam ngày 08-04-2006 vì quyết công khai đứng lên đương đầu với chế độ độc tài Cộng sản để đấu tranh bất bạo động cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, đa đảng và đa nguyên.
Chúng tôi được biết vào ngày hôm nay, 16-08-2007, qua sự ủy nhiệm của Tổng Thống Goeorge W. Bush, Ngài đã đến Việt Nam để thi hành chức vụ đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ, thay thế cho cựu Ðại sứ Michael Marine. Chúng tôi cũng được biết hôm 10-08 mới rồi, Ngài đã gặp một số đồng bào Việt Nam chúng tôi cư ngụ tại vùng thủ đô Washington.
Trong cuộc gặp gỡ ấy, Ngài cho biết khi tới Việt Nam làm việc, Ngài sẽ quan tâm đến vấn đề nhân quyền, sự phát triển kinh tế cũng như nền giáo dục tại đất nước chúng tôi. Ðó là những mối quan tâm chính đáng và liên hệ với nhau chặt chẽ, bởi lẽ Việt Nam đang thiếu nhân quyền trầm trọng, người dân mất hết mọi thứ tự do nên kinh tế đất nước không thể nào phát triển và nền giáo dục cũng do đó lâm vào bế tắc, tụt hậu.
Với truyền thống dân chủ của Hoa Kỳ, quốc gia được mệnh danh là "vùng đất của kẻ tự do, quê hương của người dũng cảm", chúng tôi hy vọng Ngài Tân đại sứ sẽ nhanh chóng, mạnh mẽ và hữu hiệu góp phần vào việc đem đến tự do, dân chủ cho dân tộc chúng tôi cũng như sẽ nhiệt tình hỗ trợ cho những nhà dân chủ Việt Nam đang dũng cảm đòi mọi nhân quyền và dân quyền cho đồng bào.
Kính chào và kính chúc Ngài an mạnh để hoàn thành nhiệm vụ.
Ðại diện lâm thời Khối 8406:
Ðỗ Nam Hải, kỹ sư, Sài Gòn
Trần Anh Kim, cựu sỹ quan, Thái Bình.
Phan Văn Lợi, linh mục, Huế
Nguyễn Xuân Nghĩa, văn sĩ, Hải Phòng
=END=
- CSVN Thay Ðổi Ban Lãnh Ðạo Báo Tuổi Trẻ
(Hà Nội - VNN) Báo Tuổi Trẻ được coi là một trong những tờ báo của chế độ CSVN đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Tuy nhiên, hai phó tổng biên tập của Tuổi Trẻ được coi là có xu hướng hướng "đổi mới" của tờ báo này không còn được giữ chức vụ.
Hai ông Huỳnh Sơn Phước và Quang Vĩnh sẽ nhận nhiệm vụ khác sau nhiều năm làm việc tại tờ báo này..
Ðược biết, người ta đã căn cứ vào quyền điều động cán bộ của Thành Ðoàn TPHCM, cơ quan chủ quản của tờ báo, để thay đổi nhân sự trong Ban Biên tập Tuổi Trẻ.
Tuy thế, theo các đánh giá trong nước, nơi tin về việc thay đổi ban lãnh đạo Tuổi Trẻ đã được bàn đến từ vài tuần qua, thì diễn biến để hai phó tổng biên tập ra đi không thể xảy ra nếu không có sự đồng ý hoặc yêu cầu từ Thành Ủy CSVN ở Sài Gòn và các cấp cao hơn trong hệ thống cầm quyền CSVN.
Cũng có ý kiến lo ngại rằng với việc sắp xếp các bộ mới, đảng cầm quyền CSVN đang muốn báo chí cả ở ngoài Bắc và trong Nam phải "đi đúng lề đường bên phải" như lời Lê Doãn Hợp, Tân Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông CSVN phát biểu gần đây.
Tuy thế, cũng có ý kiến tin rằng, các báo lớn trong miền Nam như Tuổi Trẻ và cả Thanh Niên đang bước đến một giai đoạn cần có tư duy mới hơn nữa.
Hiện chưa rõ vai trò của Tổng biên tập Lê Hoàng sẽ ra sao nhưng ít ai ngạc nhiên nếu ông thôi chức vụ trong nay mai.
Xét về mặt lịch sử, các phó tổng biên tập Huỳnh Sơn Phước và Quang Vĩnh thuộc về thế hệ những người tham gia tranh đấu trong phong trào ủng hộ cách mạng của CSVN trước năm 1975 và thanh niên xung phong sau chiến tranh.
Với sự chuyển vị trí này, Tuổi Trẻ đóng lại một giai đoạn có các nhà báo mạnh mẽ và cá tính như các Tổng biên tập Lê Văn Nuôi, Võ Như Lanh và Kim Hạnh.
Ông Huỳnh Sơn Phước, từng tu nghiệp báo chí ở xứ Wales, Anh Quốc, được nhiều đồng nghiệp đánh giá là dám làm và sắc sảo trong nghề.
=END=
- CSVN Tuyên Bố Sẽ Chi 3,5 Ðôla Ðể Hỗ Trợ Các Cô Dâu Việt Ở Nam Hàn
(Hà Nội - VNN) Thông tấn xã nhà nước CSVN ngày 17/8/07 loan tin là, Trung Ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa phụ nữ Việt Nam tại Nam Hàn đang xúc tiến dự án thành lập 40 trung tâm cố vấn hỗ trợ kết hôn tại một số tỉnh và thành phố với kinh phí lên đến 3,5 triệu đôla.
Dự án này sẽ được thi hành trong 5 năm, từ năm 2007 đến năm 2011. Hiện nay, Hội Liên Hiệp Phụ nữ đã thành lập được 9 trung tâm tư vấn hỗ trợ kết hôn tại thành phố Sài Gòn, Hải Phòng, các tỉnh Tây Ninh, Cà Mau, Sóc Trăng, Ðồng Tháp, An Giang, Lâm Ðồng và Bình Phước.
Quyết định hỗ trợ cho các cô dâu Việt lấy chồng Nam Hàn được CSVN đưa ra sau khi dư luận tỏ ra rất phẫn uất trước tình trạng các cô gái Việt Nam lấy chồng Nam Hàn bị ngược đã, hành hạ, và nhất là trường hợp mới đây của một cô dâu Việt Nam tên là Huỳnh Mai, đã bị chồng đánh gãy 18 xương sườn đến chết chỉ vì cô này muốn đòi trở về Việt Nam, vì không vui với cách đối xử của gia đình nhà chồng.
Hiện nay tòa đại sứ CSVN tại Nam Hàn xác nhận có hàng chục ngàn cô dâu Việt Nam sinh sống tại đây, chưa kể đến hàng chục ngàn cô dâu khác ở Ðài Loan, Mã Lai, Nam Dương và Singapore. Thế nhưng các tòa đại sứ vẫn không làm gì để giúp đỡ cho những người này, chỉ có một số rất nhỏ những cơ quan thiện nguyện của các vị linh mục Thiên Chúa giáo đã giúp đỡ họ, như ở Ðài Loan hay tại Singapore.
=END= |